"Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" vào danh sách tìm kiếm hàng đầu
- content:
Cuối tháng 12, Google công bố danh sách Google Year In Search 2024 tại Việt Nam. Theo đó, "Kỹ năng" trở thành một trong những xu hướng tìm kiếm nổi bật năm nay. Trong 10 từ khóa của xu hướng này thì "Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" đứng ở vị trí thứ hai, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của xã hội đối với giáo dục toàn diện cho trẻ em.
Hiện trong chương trình giáo dục phổ thông dành cho học sinh tiểu học, một số kỹ năng sống đã được tích hợp vào các môn học như tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội…
Cùng với đó, thiết kế chương trình mỗi tuần có 3 tiết Hoạt động trải nghiệm cũng giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Học sinh lớp 2 đã được học một số kỹ năng như " Nhận lỗi và sửa lỗi", "Tìm kiếm sự hỗ trợ" trong môn Đạo đức (ví dụ khi có tình huống lửa bếp ga cháy to quá, bị đau bụng bất ngờ, bị tai nạn nhỏ, bị bạn bè xa lánh, khi có người lạ gõ cửa, khi bị kẻ xấu xàm sỡ, khi bị lạc người thân ở nơi công cộng… thì phải tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu). Hoặc trong môn Tự nhiên và xã hội lớp 2, đã có nội dung dạy "Phòng tránh ngộ độc" khi ở nhà, làm sao để tham gia giao thông an toàn, kỹ năng mua bán hàng hóa…
Tuy nhiên, ngoài việc cho con học ở trường theo chương trình chung, nhiều phụ huynh học sinh muốn con được học kỹ năng sống nhiều hơn vì họ thấy đây là điều cần thiết. Hơn nữa, ở nhiều nhà trường, do thiếu nguồn lực, thiếu giáo viên được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng sống, và chưa có một chương trình chuẩn hóa, nên việc triển khai dạy kỹ năng sống cho trẻ theo đúng chương trình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Học sinh tiểu học tại TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Theo tôi thì còn có 3 lý do khác như sau:
Một là, nhiều gia đình có mức sống ngày càng cao nên họ muốn tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho các con, bên cạnh học hành chính khóa trên lớp.
Hai là, nhiều phụ huynh đã thấy rõ rằng muốn con tiến bộ, có cuộc sống cân bằng hơn hay muốn con thi đỗ vào các trường tốt ở trong và ngoài nước, thì kỹ năng mềm là điều không thể thiếu.
Ba là, thông tin trong thời hội nhập hiện nay cho thấy học sinh và sinh viên từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển mạnh đều được hưởng giáo dục toàn diện, trong đó chú trọng tới giáo dục kỹ năng sống từ cấp mầm non, tiểu học tới đại học. Và những kỹ năng này được tích hợp toàn diện vào mọi môn học, mọi hoạt động cho trẻ em.
Ở nhiều nước phát triển, bài học cho trẻ em tiểu học thiết kế theo hướng trò chơi mang tính học tập, các bài học ngắn đi kèm thực hành. Giáo viên của họ được đào tạo việc dạy các kỹ năng mềm cho học sinh tiểu học chuyên nghiệp và bài bản. Các bậc phụ huynh ở Việt Nam muốn cho con học hỏi thêm, hy vọng sau này con có khả năng thành công dân toàn cầu.
Nhưng từ thực tế trên cũng thấy gánh nặng trên vai các bậc phụ huynh, khi muốn con được học hỏi thêm kỹ năng sống ở bậc tiểu học. Họ sẽ phải tìm những thông tin cần thiết liên quan tới việc cho con học kỹ năng gì? Học ở đâu? Ai dạy? Chi phí thế nào? Có những chương trình hay nội dung nào mình có thể tự dạy con ở nhà cho đỡ tốn kém? Chương trình hay nội dung nào nên nhờ chuyên gia dạy.
Các bậc phụ huynh cũng sẽ quan tâm đến việc học thế nào thì có tác dụng, hiệu quả thực sự. Một thực tế hiện nay là nhiều cơ sở nhận dạy kỹ năng sống cho trẻ em tiểu học, tuy nhiên chưa được kiểm định chất lượng bởi các cơ quan quản lý; thậm chí giảng viên dạy các môn này chỉ là những người "tay ngang".
Qua tìm hiểu cho thấy có cơ sở chọn 5 kỹ năng là tự phục vụ bản thân, làm việc nhóm, quản trị cảm xúc, giao tiếp, tự bảo vệ bản thân... để làm chương trình học. Có cơ sở lại chọn tới 10 kỹ năng gồm tìm kiếm thông tin, tập trung, giao tiếp, phản biện, thuyết trình, hợp tác, khởi tạo ý tưởng, đặt câu hỏi đúng, phản hồi tích cực, ngồi học đúng tư thế…
Vậy phụ huynh phải chọn kỹ năng nào để cho con học, học trong bao lâu thì hoàn tất cũng là chuyện nhức đầu. Hay chi phí cho các chương trình học này cũng rất đa dạng. Tùy theo chương trình ngắn hay dài, có tiếng hay không có tiếng mà các trung tâm có thể tính phí khác nhau, có khi chỉ là vài trăm nghìn đồng một khóa, nhưng có khi lên tới hàng chục triệu đồng.
Dù sao, nhu cầu tìm kiếm từ khóa "Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" tăng mạnh mẽ trong năm qua là một tín hiệu tích cực, đáng trân trọng.
Thiết nghĩ khi quan tâm tới các con, tùy theo điều kiện gia đình, chúng ta không nên câu nệ quá nhiều vào các chương trình đào tạo bên ngoài. Các bậc cha mẹ có thể chịu khó dành thời gian đồng hành cùng con, truyền cho các con những kỹ năng sống hữu ích mà chính mình đã tích lũy được qua năm tháng.