Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
- content:
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và vấn đề xây dựng văn hóa
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, toàn bộ di sản tư tưởng của Người là một kho báu văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong đó tư tưởng của Người về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Đó là một hệ thống các quan điểm lý luận mang tính khoa học và cách mạng về văn hóa và xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Được kết tinh và chắt lọc những giá trị cả văn hóa phương Đông, phương Tây, của truyền thống và hiện đại, của dân tộc và quốc tế.
Theo Hồ Chí Minh, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Theo Người: Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng, những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được, có thực mới vực được đạo, xã hội thế nào thì văn hóa thế ấy. Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, nó làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong rất nhiều bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu…Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, biết gạn đục khơi trong, nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, biết chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc tính của dân tộc mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương cho mọi thế hệ Việt Nam, trong đó có tuổi trẻ noi theo.
Với nhận thức là văn hóa có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân”. Vì vậy, văn hóa cũng phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm: Vì nhân dân phục vụ và phát huy sứ mạng của toàn dân làm văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người là yêu cầu rất cao, là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Chỉ khi nào được mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, tôn giáo, nhà trường và gia đình…tham gia tích cực, thường xuyên, liên tục, bền bỉ thì văn hóa mới có thể thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra.
Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò đặc biệt của văn hóa trong đời sống tinh thần của xã hội, văn hóa có vai trò định hướng tư tưởng, văn hóa gắn liền với xây dựng con người mới và là động lực phát triển của xã hội. Bên cạnh những chủ trương, chính sách, Bác cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, đó là những tác phẩm văn học, nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật truyền thống.
Bác xem các loại hình văn học dân gian như tục ngữ, vè, ca dao… là những viên ngọc quý của dân tộc. Người thường hay dẫn Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, những câu hò, lời ca, điệu ví quen thuộc, vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho văn nghệ dân tộc để nhắc nhở những người làm công tác văn hóa về thái độ trân trọng vốn di sản văn hóa dân tộc. Người căn dặn văn nghệ sĩ phải tôn trọng, giữ gìn và phải phát triển cho hết cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa dân tộc.Nhấn mạnh đến yếu tố kế thừa, chọn lọc và phát triển để giữ gìn vốn văn hóa quý báu của dân tộc, khôi phục những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hóa dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, những cái cũ phiền phức, phát triển những cái cũ mà tốt, phải triệt để làm những cái mới và hay, phải tẩy sạch những gì mà giáo dục thực dân để lại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã và đang là định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa. Những tư tưởng, quan điểm của Bác dù trực tiếp hay gián tiếp bàn về văn hóa đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành “kim chỉ nam” trong việc hoạch định kế hoạch phát triển văn hóa. Nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề này đã được ban hành đi vào cuộc sống, tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.
Nguyễn Thị Hải Yến