Bài 3: Nếp nhà là nền tảng vun đắp giá trị truyền thống gia đình

content:

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là con trai út của GS.Nguyễn Văn Huyên - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và bà Vi Kim Ngọc - con gái của nguyên Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Sinh ra trong một gia đình tri thức, gắn bó sâu đậm với mảnh đất Hà thành, những ký ức về nếp nhà xưa với những ân tình của mẹ cha thuở nào vẫn luôn vẹn nguyên trong ông. 

Những chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Văn Huy với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội dưới đây hy vọng sẽ mang đến cho độc giả thêm góc nhìn sinh động, gần gũi về nếp nhà - một nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội.

PV: Khi nhắc tới giá trị văn hóa người Hà Nội không thể không nhắc tới những giá trị văn hóa được tạo dựng từ mỗi gia đình. Theo ông, gia đình có vai trò như thế nào đối với việc hình thành đạo đức, sự phát triển của mỗi cá nhân?

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Đối với sự phát triển của xã hội cũng như mỗi cá nhân gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Từ xa xưa cha ông chúng ta cũng đã luôn nhắc nhớ về gốc rễ của gia đình “Cây có gốc, sông có nguồn” để từ đấy xây đắp nên nền tảng gia đình. Và nền tảng gia đình thường được trao truyền dưới nhiều hình thức, như là gia phả, chúc thư... hoặc trong các dịp lễ tết, cúng giỗ, gặp mặt và nhất là trong cách ứng xử hằng ngày. Trong gia phả của họ nội tôi ở Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội, cụ tổ Nguyễn Văn Khoa (1828 - 1904) đã để lại bức chúc thư, trong đó cụ lấy câu của bậc thánh hiền để răn dạy con cháu chớ nên ỷ vào các quyền hành, có lợi lộc chớ nên tận hưởng tất cả, thấy người cùng khốn chớ nên khinh thường. Làm phận tôi con phải có hiếu với cha mẹ, có đễ với anh em, có lòng nhân từ với trẻ nhỏ. Anh em thuận hòa, trong lòng hoan hỉ, không được hiềm khích...

Còn bên ngoại, tôi nhớ khi còn nhỏ mẹ đã cho chúng tôi xem bức chúc thư của ông ngoại để nhắc nhở về nề nếp, gia phong của gia đình. Trong chúc thư, ngoài phân chia tài sản cụ còn dặn dò con cháu về đạo đức làm người, phải giữ cho được chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

1.-pgs-nguyen-van-huy.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Huy

PV: Sinh ra trong một gia đình tri thức lớn, hẳn rằng “nếp nhà” của mẹ cha đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong ông? Nếp nhà ấy đã ảnh hưởng như thế nào đối với ông khi trưởng thành và cả cuộc sống sau này?

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Gia đình tôi có 4 chị em, tôi là út và cũng là người có thời gian được sống với bố mẹ nhiều nhất, còn các chị tôi đều thoát ly gia đình từ rất sớm. Điều mà tôi ấn tượng sâu đậm nhất từ bố mẹ mình chính là cách ứng xử thường ngày và tình yêu thương của mẹ cha. Cha mẹ tôi đặc biệt quan tâm đến giáo dục con cái. Khi con mắc lỗi hay nghịch ngợm, cha mẹ không bao giờ mắng con nặng lời. Dù giận mấy cha mẹ vẫn xưng hô là “cậu”, “mẹ” và “con” chữ không dùng “mày”, “tao”. Buổi tối cha và mẹ thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích, đọc thơ, ca dao tục ngữ cho chúng tôi nghe, sau này là các cháu; khuyến khích con cháu viết nhất ký tóm tắt những gì đọc được. Thông qua đó dạy các con phải biết yêu thương nhau, hiếu kính cha mẹ...

anh-gia-dinh-cua-pgs.-ts-nguyen-van-huy.jpg
Cố GS Nguyễn Văn Huyên cùng vợ và các con. Ảnh TL gia đình.

Từ cách đây gần thế kỷ, cha mẹ tôi đã coi trọng vấn đề bình đẳng giới, không phân biệt giữa con trai và con gái, con dâu và con rể, cháu trai và cháu gái, cháu nội và cháu ngoại. Dưới nếp nhà của cha mẹ, mọi người đều được đối xử bình đẳng, được tạo điều kiện học tập sinh hoạt như nhau.

Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhưng bố tôi rất khiêm nhường và giản dị, luôn cởi mở, quan tâm và yêu thương mọi người, từ những người trong gia đình, đến đồng nghiệp ở cơ quan, rồi thế hệ trẻ, học sinh...

Trong một bức thư ông viết năm 1946 từ Hội nghị Fontainebleau (Pháp) cho vợ và các con ông có ghi: “Và chúng ta đã thường bàn với nhau là những năm này là những năm tuyệt với tốt đẹp trong đời chúng ta. Chúng ta nếu muốn làm giàu thì không có gì là khó. Nhưng chúng ta dùng nó mà gây cái hạnh phúc chung, cho tất cả các con thì tốt đẹp biết chừng nào”.

2.-ong-ba-nguyen-van-huyen.jpg
GS Nguyễn Văn Huyên và vợ ngày nhị hỷ (Hà Nội, 13/4/1936). Ảnh TL gia đình.

Còn mẹ tôi, với cách ứng xử tinh tế, mẹ luôn là người giữ lửa, là linh hồn, là hạt nhân đoàn kết của gia đình. Mẹ luôn biết dung hòa các mối quan hệ, ứng xử nhẹ nhàng với những gì chưa hài lòng và luôn khơi gợi điểm tốt ở các con/ cháu. Các dâu, rể của mẹ dù đến từ nhiều gia đình với nền tảng, nếp sống, thói quen khác nhau nhưng mẹ luôn đối xử tôn trọng bình đẳng. Ngay năm đầu tiên có con dâu về nhà, bà đã tin yêu, tự mình lui về phía sau để con dâu chủ động lo việc Tết, giỗ chạp cũng như việc gia đình, việc nào chưa đúng thì bà điều chỉnh dân. Mẹ không bao giờ lên lớp dạy bảo mà cứ nhẹ nhàng uốn nắn các con bằng sự tinh tế, tế nhị của mình.

Các chị gái tôi khi đi học xa nhà thường xuyên nhận được những bức thư của mẹ. Những bức thư đầy yêu thương chính là cách dạy con của mẹ, giúp các con hiểu mình, đưa các con trở về với gia đình…

Trong di chúc để lại mẹ cũng không quên dặn dò chúng tôi giữ nếp nhà xưa: “Mẹ mong tha thiết các con gái, con trai, con rể, con dâu sống với nhau hạnh phúc như cha mẹ, đồng thời hun đúc truyền thống nếp sinh hoạt cao thượng của ông bà cho các cháu rất yêu thương. Hết thế hệ này sang thế hệ kế tiếp bao giờ cũng giữ nếp nhà xứng đáng con cháu của ông bà”.

Có thể nói suốt cả cuộc đời cha mẹ tôi đã nỗ lực đặt từng viên gạch tình yêu thương để xây nền nếp cho các con cháu. Giờ cha mẹ tôi đã đi xa nhưng nếp nhà của mẹ cha vẫn còn đó, vững chãi, là chỗ dựa tinh thần, nơi đoàn tụ các con, các cháu.

4..jpg
PGS. TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu với công chúng câu chuyện gia phả thú vị của gia đình tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.

PV: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở quê hương Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội có rất nhiều những kỷ vật gắn bó với những thành viên trong gia đình ông. Phải chăng việc gây dựng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên cũng là một cách truyền tinh thần gia đình cho các thế hệ kế tiếp của gia đình ông nói riêng và xã hội nói chung?

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Bản thân tôi là người làm công tác bảo tàng nên trước rất nhiều những tư liệu hiện vật của gia đình, tôi rất mong muốn sẽ kể câu chuyện của bố mẹ mình bằng ngôn ngữ bảo tàng. Năm 2010, khi đến Hà Lan, thăm Bảo tàng Anne Frank House – một bảo tàng tưởng niệm cô gái nhỏ từng là nạn nhân của nạn diệt chủng người Do Thái, cũng là tác giả của cuốn nhật ký nổi tiếng Anne Frank tôi đã rất ấn tượng với cách thu hút công chúng của Bảo tàng. Tôi tự hỏi tại sao từ cuốn nhật ký của một cô gái Do Thái kể về cuộc sống của cô trong 4 năm sống dưới chế độ phân biệt chủng tộc, bài Do Thái của Hitle và Đức quốc xã mà người ta dựng lại được một bảo tàng sống động về tội ác diệt chủng như vậy. Và đó cũng là điều thôi thúc tôi cùng các anh chị em quyết tâm thành lập Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên với thông điệp lịch sử của đất nước bắt đầu từ lịch sử của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Nếu có nhiều lịch sử cá nhân như thế thì mọi người sẽ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ra đời năm 2014 trên chính quê hương của cha tôi - làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội trên một diện tích khoảng 150m2, giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu… Nội dung trưng bày được phân chia theo 4 chủ đề chính Nền tảng gia đình, Tuổi trẻ của bố mẹ, Bố chúng tôi – một nhà bác học và Bố chúng tôi – một người hành động. Trong đó có nhiều câu chuyện chân thực, xúc động được thể hiện qua các bức ảnh, những trích dẫn thư, nhật ký và video…

5b.jpg
Đến với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, công chúng sẽ tìm thấy rất nhiều câu chuyện  thú vị trong nếp gia đình cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên.

Đến với Bảo tàng, công chúng sẽ tìm thấy những câu chuyện trong thú vị trong gia đình GS Nguyễn Văn Huyên. Đó là câu chuyện gắn với với các kỷ vật của bố tôi (ghi chép khi ông làm luận án ở Paris, các công trình nghiên cứu của ông ở Trường Viễn Đông Bác cổ, thư từ, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, các tài liệu hành chính thời kháng chiến…); kỷ vật của mẹ tôi (nhật ký bà viết về chồng, về các con, các cháu, những bản vẽ, tài liệu khi bà làm kỹ thuật viên ở Đại học Y Hà Nội, thư từ và cả những cuốn sổ chi tiêu hàng ngày… Và còn cả chuyện người chị cả của cha tôi – bác Nguyễn Thị Mão, nữ giáo sư toán đầu tiên tại trường Đồng Khánh đã dành hầu hết lương và hi sinh tuổi thanh xuân để cha và chú tôi có điều kiện đi học ở Pháp…

Thông qua trưng bày, chúng tôi mong muốn kể câu chuyện về bố mẹ, ông bà mình. Xây dựng bảo tàng Nguyễn Vãn Huyên, gia đình cũng mong muốn công chúng hiểu rằng cuộc đời cùng với những tư liệu và ký ức về một con người, một gia đình, góp phần tăng hiểu biết về lịch sử, xã hội và văn hóa của một thời kỳ, một đất nước.

PV: Nếp nhà là một phần quan trọng của văn hóa và chịu những tác động mạnh mẽ của các nhịp sống đương đại. Từ góc nhìn một người làm nghiên cứu văn hóa, ông có những băn khoăn, trăn trở gì trước sự thay đổi của nếp nhà xưa? Và theo ông, trong bối cảnh hiện nay cần có những giải pháp gì để gìn giữ nếp nhà truyền thống cũng như vun đắp, tạo dựng hệ giá trị của gia đình thời kỳ mới?

5a.jpg
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên thu hút du khách nước ngoài ghé thăm.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Xã hội ngày nay có rất nhiều thay đổi, bên cạnh không ít gia đình vẫn giữ được nền nếp gia phong thì đâu đó đạo đức trong gia đình đang đối mặt với nguy cơ băng hoại, xuống cấp. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, dễ dàng bắt gặp những câu chuyện buồn xuất phát từ gia đình, nào bạo lực gia đình, nào anh em bố con tranh giành nhau từng đồng tiền, từng mảnh đất rồi ly hôn, ly thân, xâm hại trẻ em, bất bình đẳng giới... Sự phát triển, hội nhập của xã hội hiện đại kéo theo những thay đổi trong quan niệm sống và cũng đặt ra những vấn đề của gia đình hiện đại. Ví như, bố mẹ có cần thiết phải sống cùng con cái, người già có nên sống trong viện dưỡng lão…?

Theo tôi, trong một xã hội hiện đại, việc thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh mới là cần thiết, vấn đề là phải bình tĩnh trước sự thay đổi. Và cái cốt lõi gia đình truyền thống luôn luôn phải giữ được đó là quan tâm, yêu thương và hiếu đễ.

Nếp nhà là “hạt nhân” là nền tảng trong việc vun đắp giá trị truyền thống của gia đình, bởi thế vai trò của bố mẹ ông bà trong gia đình vô cùng quan trọng. Chị gái tôi Nguyễn Kim Nữ Hạnh khi còn sống cũng từng nhiều lần trăn trở với câu hỏi “Làm gì để giữ được nếp nhà”. Từ những nghiên cứu và trải nghiệm của bản thân, chị đã tìm ra câu trả lời đó là phải giúp cho thế hệ trẻ khám phá được chính mình, hiểu được mình là ai trong xã hội này. Mà muốn hiểu mình là ai thì cần phải có cái tâm trong sáng, có trí tuệ thông tỏ, có đạo lý dẫn đường cho tốt. Mỗi người như thế sẽ tiếp nối được giá trị truyền thống của gia đình. Nền học của Nho giáo là cơ sở Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí Tín chính là giải pháp cơ bản để xây dựng con người - một trong những thành tố xây dựng nếp nhà.

Trân trọng cảm ơn ông!./.

content:
content:

content:

Album ảnh

portal-sessiontracking

Đang trực tuyến: 852
Số lượt truy cập: 164652