THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIẢM SỐ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ LỚN NHẤT CẢ NƯỚC
- content:
Hà Nội giảm số đơn vị hành chính cấp xã lớn nhất cả nước
(Dân trí) - Hà Nội là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã giảm lớn nhất cả nước với 53 đơn vị.
Đại diện UBND TP Hà Nội thông tin như vậy tại hội nghị triển khai công tác năm 2025 ngành Nội vụ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo Nghị quyết số 1286/NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Nội giai đoạn 2023-2025, sau khi sắp xếp, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 17 huyện và 1 thị xã); 526 đơn vị hành chính cấp xã (160 phường, 345 xã và 21 thị trấn). Như vậy, Hà Nội sẽ giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã từ năm 2025.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy xây dựng đề án, quyết định thành lập Đảng bộ mới trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất tổ chức đảng của đơn vị hành chính cùng cấp trước khi sắp xếp; chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư cấp ủy theo quy định của Điều lệ Đảng.
Quận Đống Đa sẽ nhập toàn bộ phường Trung Phụng vào phường Khâm Thiên. Thành lập phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên cơ sở phường Quốc Tử Giám và Văn Miếu (Ảnh: Bạch Huy Thanh).
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội đã chỉ đạo tạm dừng bầu các chức danh cán bộ cấp xã ở các đơn vị hành chính phải sắp xếp kể từ ngày UBND thành phố trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Chính quyền Hà Nội cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc của từng người. Việc này phải đảm bảo nhiều yêu cầu cùng lúc.
Thứ nhất, việc bố trí phải dựa trên năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động hoặc luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của cấp xã, cấp huyện và ở các địa phương khác trong TP theo yêu cầu nhiệm vụ.
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã được tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong đó, ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện vào các chức danh tương đương hoặc ưu tiên giới thiệu bầu chức danh cán bộ ở đơn vị hành chính khi có nhu cầu hoặc ưu tiên tuyển dụng làm công chức, viên chức theo quy định.
Thứ hai, cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng sẽ tạo điều kiện cho nghỉ chế độ theo quy định pháp luật. Cán bộ có nguyện vọng chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời.
Thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính cấp huyện.
Thứ ba, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở phường thì được áp dụng theo Nghị định số 26/2015 của Chính phủ, Hướng dẫn số 27-HDD/BTCTW năm 2019 của Ban Tổ chức Trung ương.
Trường hợp thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì thực hiện theo Nghị định số 29/2023 của Chính phủ và các Nghị quyết của HĐND thành phố.
Ngoài các cơ chế, chính sách chung của Trung ương, đối với cán bộ dôi dư TP Hà Nội cho biết đã ban hành nghị quyết của HĐND TP quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp đơn vị hành chính.
"Với sự chủ động từ sớm, từ xa, thành phố tin tưởng rằng việc kiện toàn tổ chức, hoạt động hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp sẽ thành công tốt đẹp", đại diện UBND TP Hà Nội khẳng định.